Tăng Huyết Áp - kẻ thay đổi lịch sử

Nếu bạn là một người yêu thích lịch sử, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh lạnh sau thế chiến thứ 2, bạn có bao giờ tự hỏi thế giới này có thể đã ra sao nếu 2 nhân vật quan trọng nhất của thời kỳ tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt và lãnh đạo liên bang Xô Viết Stalin không mất đi do cùng một bệnh nguyên? Có phải chăng căn bệnh đó đã che phủ bộ óc của tổng thống Roosevelt làm ảnh hưởng đến những phán quyết của ông tại hội nghị Yalta? Những ngã rẽ nào mà đoàn tàu đế quốc Mỹ, Anh, Pháp đối trọng với liên bang Xô Viết ngoặt sang nếu Stalin vượt qua biến chứng của căn bệnh trên vào năm 1953, và lèo lái con tàu Xô Viết trong khủng hoảng tên lửa Cuba? Thủ phạm, kẻ thay đổi lịch sử, ấy chính là bệnh Tăng Huyết Áp.
 
FDR
THA là bệnh nguyên lấy đi mạng sống của 2 trong 3 người này. Tổng thống Roosevelt (ngồi giữa) và Stalin (Bên phải)

Tổng quan

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh lý thường gặp, xảy ra khi áp lực máu tại thành động mạch tăng cao, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, ví dụ như bệnh tim mạch.

Huyết áp phụ thuộc vào hai yếu tố: lượng máu được bơm bởi tim của một người (cung lượng tim) và kháng lực chống lại dòng máu trong động mạch của người đó (sức cản ngoại biên). Cung lượng tim càng cao và lòng động mạch càng hẹp thì chỉ số huyết áp càng lớn.

Bạn có thể bị THA nhiều năm trời mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Ngay cả khi đó, những tổn thương tại thành mạch và tim của bạn vẫn tiếp tục diễn ra và hoàn toàn có thể phát hiện được. Huyết áp không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ bạn mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng, trong đó có đau tim và đột quỵ

Bệnh THA , nhìn chung, diễn tiến trong nhiều năm và gần như ảnh hưởng đến tất cả mọi người. May mắn là bệnh có thể dễ dàng phát hiện được. Qua đó bạn có thể không chế nó dưới sự trợ giúp của bác sĩ.

Cần nhấn mạnh một lần nữa rằng
hầu hết mọi người bị THA không có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào, dù cho chỉ số huyết áp của họ có thể cao đến mức báo động. Một vài người có thể có tình trạng nhức đầu, khó thở hay chảy máu mũi nhưng các triệu chứng đó hoàn toàn không đặc hiệu và cũng chì xảy ra khi huyết áp cao ở mức đe dọa đến tính mạng.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

-Thường thì bạn sẽ được kiểm tra huyết áp thường quy khi đến khám bệnh vì bất cứ lý do gì.
-Từ 18 tuổi, nên được kiểm tra huyết áp mỗi 2 năm một lần. Nếu bạn lớn hơn 40 tuổi hoặc trong khoảng từ 18-39 tuổi với nguy cơ cao bị THA, tần suất nên là 1 năm 1 lần. Các bác sĩ thường sẽ đo huyết áp ở cà 2 tay của bạn để so sánh. Nếu bạn được chẩn đoán là THA hoặc có những nguy cơ bệnh lý tim mạch, các bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra huyết áp của bạn thường xuyên hơn.
-Bạn có thể đến kiểm tra huyết áp tại các trung tâm y tế, hoặc trạm y tế quận, huyện, xã. Một vài cửa hàng thiết bị y tế có thể có những máy đo huyết áp điện tử miễn phí. Tuy nhiên, những máy đo này có những giới hạn nhất định và độ chính xác của nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố (kích thước túi hơi phù hợp, sử dụng máy đúng cách). Nếu bạn sở hữu máy đó huyết áp điện tử, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để dùng máy cho đúng.


Các dạng tăng huyết áp

-THA nguyên phát
Hầu hết THA là vô căn ở người trưởng thành. Dạng THA này được gọi là THA nguyên phát (hay THA vô căn) và diễn tiến từ từ qua nhiều năm.
-THA thứ phát
Ở nhóm này, THA có nguyên nhân thực thể. Tình trạng THA thứ phát này có khuynh hướng diễn ra đột ngột và gây THA trầm trọng hơn THA nguyên phát. Một số bệnh nền và thuốc có thể dẫn đến THA thứ phát:
  • Bệnh ngưng thở lúc ngủ.
  • Bệnh lý thận.
  • U tủy thượng thận
  • Bệnh lý tuyến giáp.
  • Một số dị dạng mạch máu (bẩm sinh), như hẹp eo động mạch chủ, bệnh mạch máu thận.
  • Một số thuốc như thuốc ngừa thai (estroprogesterone), thuốc cảm (cam thảo, điều trị ho), thuốc nhỏ mũi, thuốc giảm đau không kê đơn, Corticoide.
  • Các thuốc gây nghiện như Cocaine hay amphetamines.
  • THA và thai kỳ.
  • Nghiện rượu.
  • Sau phỏng, sau phẫu thuật lớn.
Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp
 
  • Tuổi: Tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng. Đàn ông thường mắc phải THA ở độ tuổi trung niên, khoảng 45 tuổi. Phụ nữ thường là sau 65 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: THA có yếu tố di truyền.
  • Thừa cân, béo phì: cân nặng càng cao thì lượng máu bạn cần để cung cấp oxy và dưỡng chất cho mô càng nhiều. Cung lượng tim tăng thì áp lực lên thành động mạch cũng tăng, dẫn đến THA.
  • Ít hoạt động thể lực: người ít hoạt động thể lực thường có nhịp tim nhanh. Nhịp tim càng nhanh thì với mỗi nhát co bóp, tim của bạn lại càng phải làm việc nhiều hơn, cũng như áp lực lên động mạch càng lớn hơn.
  • Hút thuốc lá: hút hoặc nhai thuốc lá trước tiên sẽ tạm thời làm tăng huyết áp của bạn ngay lập tức, sau đó, các hóa chất trong thuốc lá sẽ làm tổn thương các cấu trúc thành mạch. Kết quả là lòng động mạch hẹp lại, gây tăng huyết áp. Ngay cả người hút thuốc lá thụ động cũng sẽ không tránh khỏi những tác hại trên.
  • Chế độ ăn mặn (nhiều Natri) : quá nhiều muối trong chế độ ăn sẽ gây giữ muối và nước, gây THA.
  • Chế độ ăn ít Kali: Kali giúp cân bằng lượng Natri trong tế bào. Quá ít Kali đồng nghĩa với ứ trệ Natri trong cơ thể, dẫn tới THA.
  • Chế độ ăn quá ít Vitamin D: vẫn còn chưa rõ nguyên nhân này có là nguy cơ của THA hay không. Vitamin D có thể ảnh hưởng lên 1 enzym sản xuất tại thận, có khả năng tác động lên huyết áp của bạn.
  • Lạm dụng rượu bia: uống nhiều rượu bia trong thời gian dài có thể gân tổn thương tim của bạn. Uống nhiều hơn 2 ly (đối với đàn ông) và 1 ly (đối với phụ nữ) mỗi ngày có thể gây THA. Nếu bạn không tránh được việc uống rượu, hãy uống điều độ. Chỉ nên uống 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và đàn ông trên 65 tuổi, và 2 ly mỗi ngày với đàn ông 65 tuổi trở xuống. 1 ly ở đây tức là 0,5 ounces whisky, 5 ounces rượu vang hay 1 lon bia (1 ounce = 30ml)
  • Stress: có thể gây THA tạm thời. Và nếu bạn cố giải thoát mình khỏi tình trạng này bằng thuốc lá hay rượu bia, vấn đề sẽ càng tồi tệ hơn.
  • Một số bệnh lý mãn tính có thể gây THA như suy thận, tiểu đường hay tình trạng ngưng thở lúc ngủ.
  • Thai kỳ cũng có thể là một nhân tố gây THA.

Mặc dù THA thường chỉ gặp ở người lớn, trẻ em cũng có thể rơi vào bệnh cảnh này. Thường gặp là do trẻ có vấn đề về thận hoặc tim mạch. Nhưng một lượng không nhỏ trẻ em gần đây có nguyên nhân là do thói quen không lành mạnh, ví dụ như chế độ ăn uống gây béo phì, thiếu vận động.

 


Biến chứng của tăng huyết áp

Áp lực lên thành mạch máu gây ra bởi THA có thể làm tổn thương các mạch máu, cũng như các cơ quan khác trong cơ thể bạn. Huyết áp càng cao và càng không được kiểm soát sớm thì hậu quả càng trầm trọng.

Một số biến chứng có thể xảy ra là:
  • Nhồi máu cơ tim, đột quỵ: THA làm xơ cứng, dày thành động mạch, dẫn tới nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
  • Phình mạch máu não, đe dọa tính mạng.
  • Suy thận và hẹp lòng động mạch thận.
  • Động mạch tại mắt bị xơ cứng, hẹp lòng hoặc xuất huyết, dẫn tới mất thị lực.
  • Hội chứng chuyển hóa: bao gồm tăng chu vi vòng eo, tăng tryglicerides, giảm cholesterol có lợi (HDL), tăng đường huyết. Tất cả sẽ dẫn tới bệnh đái tháo đường, bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
  • THA còn làm ảnh hưởng tới khả năng nghe hiểu, học hỏi và trí nhớ của bạn.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị THA, cần phải đến bác sĩ ngay để kiểm tra.
Khi đi khám bệnh, bạn không cần chuẩn bị gì đặc biệt. Trước khi được đo huyết áp, không được uống cafe trong vòng 1 tiếng hay hút thuốc lá 15 phút trước đo. 
Một số thuốc không kê toa có thể ảnh hưởng lên huyết áp của bạn như đã nói ở trên, cho nên bạn nên đem theo các loại thuốc đang sử dụng. Đừng ngưng sử dụng những loại thuốc ấy mà không có chỉ định của bác sĩ.


Xác định huyết áp của bạn có cao hay không.
Các bác sĩ sẽ đặt một băng quấn quanh bắp tay của bạn và thực hiện đo huyết áp bằng huyết áp kế thủy ngân hay đồng hồ
Có 2 chỉ số huyết áp, với đơn vị đo là mmHg. Số đầu tiên (số lớn hơn) là áp lực trong động mạch của bạn khi tim co bóp (
huyết áp tâm thu). Số thứ 2 (số nhỏ hơn) là áp lực trong động mạch của bạn ở khoảng nghỉ giữa các chu kỳ đập của tim (huyết áp tâm trương).
 
Chỉ số huyết áp

Phân loại THA


Cả hai chỉ số huyết áp trên đều quan trọng. Nhưng sau tuổi 60 thì cần lưu tâm huyết áp tâm thu hơn. THA tâm thu đơn độc (isolated systolic hypertension: ISH) là tình trạng mà khi bạn có chỉ số HA tâm thu >140mmHg và HA tâm trương < 90mmHg. Dạng THA này rất phổ biến ở người > 60 tuổi.

Bác sĩ thường sẽ thực hiện đo huyết áp của bạn từ 2 đến 3 lần trong 2 hoặc 3 lần tái khám trước khi chẩn đoán bạn bị THA. Lý do là vì huyết áp thay đổi tại các thời điểm khác nhau trong ngày, và đôi khi bạn có thể nằm trong số những người có
THA áo choàng trắng, tức là chỉ THA khi đo tại bệnh viện hay phòng khám bác sĩ. Huyết áp sẽ được đo ở cả hai bên tay để so sánh. 
 
Kết quả hình ảnh cho do huyet ap
Đo huyết áp bằng huyết áp kế thủy ngân cho kết quả đáng tin cậy.

Trong một vài trường hợp, bạn sẽ được đề nghị đo HA bằng máy đo huyết áp liên tục 24 giờ. Máy sẽ thực hiện đo huyết áp tại các thời điểm nhất định trong suốt 24 giờ, với mục đích là cung cấp toàn cảnh về những biến đổi trong huyết áp của bạn suốt một ngày đêm. Tuy nhiên thì không phải cơ sở y tế nào cũng có máy đo này.
Nếu bạn rơi vào bệnh cảnh THA ở bất kỳ phân độ nào, các bác sĩ sẽ đánh giá về tiền sử bệnh tật của bạn và tiến hành thăm khám.
Một số test sẽ được các bác sĩ chỉ định thường quy như: tổng phân tích nước tiểu, công thức máu, cholesterol máu, điện tâm đồ ECG (đánh giá các hoạt động điện tim của bạn). Siêu âm tim cũng có thể là cần thiết để truy tìm các bệnh lý tim mạch khác.


Điều trị Tăng Huyết Áp

Bước quan trọng đầu tiên đó là thường xuyên kiểm tra huyết áp của bạn tại tại nhà, để kiểm tra hiệu quả của thuốc huyết áp mà bạn đang sử dụng. Máy đo huyết áp không quá đắt và có thể tìm mua rất dễ dàng. Bạn có thể đề nghị bác sĩ hướng dẫn bạn cách sử dụng máy. Nhưng cần nhớ rằng nó không thể thay thế cho các lần tái khám định kỳ với bác sĩ.

Các bác sĩ sẽ đề ra chỉ số
huyết áp mục tiêu cho việc điều trị:
 
Huyết áp mục tiêu Nhóm bệnh nhân
<150/90 mmHg Người > 60 tuổi, khỏe mạnh
<140/90 mmHg Người < 60 tuổi, khỏe mạnh
<130/80 mmHg Nếu bạn mắc các bệnh như bệnh thận mạn, tiểu đường, đang mắc hay có nguy cơ cao mắc các bệnh mạch vành.

*Dù 120/80 mmHg là huyết áp lý tưởng thì việc điều trị dùng thuốc để đạt chỉ số này có thể là không cần thiết.

Thuốc điều trị huyết áp

Gồm có 5 nhóm thuốc hàng đầu:
  • Lợi tiểu Thiazide: có tác dụng tại thận giúp bài tiết muối và nước, qua đó giảm thể tích tuần hoàn. Đây là thuốc điều trị đầu tay trong THA, nhưng tất nhiên không phải là lựa chọn duy nhất. Một số thuốc hay dùng là hydrochlorothiazide, chlorthalidone. Tác dụng phụ thường gặp là tiểu nhiều,  rối loạn điện giải.
  • Ức chế Beta: có tác dụng giảm nhịp tim, giảm co bóp cơ tim qua đó giảm gánh cho tim và mở thông lòng mạch. Thông dụng là các thuốc: Acebutolol, Atenolol, Metoprolol. Khi đứng một mình thì thuốc ức chế Beta không hiệu quả như khi kết hợp với các loại thuốc khác, đặc biệt ở người cao tuổi.
  • Ức chế men chuyển: tiêu biểu là lisinopril, benazepril, captopril, làm giãn mạch qua tác dụng ngăn chặn sự hình thành chất gây co mạch. Thuốc có lợi cho bệnh nhân bị bệnh thận mạn.
  • Ức chế thụ thể Angiotensin II: tác dụng và lợi ích cho bệnh nhân có bệnh thận mạn tương tự như thuốc ức chế men chuyển, nhưng nó trực tiếp ngăn cản sự co mạch, chứ không ngăn cảnh sự hình thành hoạt chất tự nhiên gây co mạch. Gồm có: Losartan, Irbesartan, Varsartan...
  • Ức chế Calci: Amlodipine, Diltiazem..có tác dụng giãn cơ trơn mạch máu, làm chậm nhịp tim. Thuốc ức chế Calci có lợi hơn cho người cao tuổi so với ức chế men chuyển khi sử dụng đơn độc. Nước bưởi có thể tương tác với một vài thuốc ức chế Calci, làm tăng nồng độ trong máu của thuốc, dẫn đến nguy cơ tác dụng phụ cao. Tránh uống thuốc với nước trái bưởi hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ.
Ngoài ra còn có thuốc ức chế Renin trực tiếp (aliskiren), làm chậm lại quá trình hình thành renin, một enzym sản xuất tại thận có vai trò thực hiện một chuỗi những phản ứng hóa học, làm THA. Loại thuốc mới này còn nhiều vấn đề, với những biến chứng nghiêm trọng , bao gồm đột quỵ, tuyệt đối không dùng chung với ứ chế men chuyển hay ức chế thụ thể Angiotensin II.

Tùy bệnh cảnh hoặc mục tiêu điều trị thất bại mà các bác sĩ có thể sử dụng thêm một số thuốc như:
ức chế Alpha, ức chế alpha-beta, thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương như methyldopa, thuốc giãn mạch, kháng aldosterone.

Để giảm số lượng thuốc mà bạn phải uống hằng ngày,  các bác sĩ có thể sẽ phối hợp nhiều loại thuốc với liều thấp, có lợi hơn là dùng liều cao duy nhất 1 loại thuốc. Đôi khi, cần phải thử nghiệm nhiều lần đề tìm ra sự phối hợp phù hợp nhất.


Điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc
 

 
Dù các bác sĩ kê toa bất kỳ loại thuốc nào thì việc thay đổi lối sống là tối quan trọng trong điều trị THA. Một số việc bạn cần làm:
  • Ăn uống lành mạnh: bạn có thể áp dụng chế độ ăn DASH bao gồm trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, và sữa ít béo. Khuyến khích ăn thực phẩm có nhiều Kali, hạn chế ăn các loại thức ăn có mỡ bão hòa và cholesterol.
  • Giảm muối trong bữa ăn: lượng muối khoảng 1500 mg mỗi ngày là thích hợp cho người từ 51 tuổi trở lên, hoặc đang mắc bệnh thận mạn, tiểu đường hay THA. Đối với một người khỏe mạnh thì 2300 mg muối mỗi ngày là chấp nhận được. Ngoài việc giảm lượng muối khi nấu ăn, bạn cũng nên tập thói quen kiểm tra hàm lượng của nó trong thức ăn đóng gói, nấu sẵn.
  • Tăng cường hoạt động thể lực: giúp giảm huyết áp, xả stress, giữ cân nặng ở mức cho phép. Bộ Y tế Hoa Kỳ khuyến cáo bạn nên có 150 phút mỗi tuần hoạt động thể lực ở mức độ trung bình, hoặc 75 phút hoạt động nặng, hay kết hợp cả 2. Nếu được, hãy thực hiện các bài tập luyện cơ ít nhất 2 lần mỗi tuần.    
  • Giảm cân nếu thừa cân: giữ chỉ số BMI trong khoảng từ 18-22,9. Nếu bạn thừa cân, việc giảm ít nhất 2,3 kg sẽ giúp hạ huyết áp.
  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Hạn chế rượu.
  • Tập thư giãn, thở chậm sâu.
  • Khống chế huyết áp trong thai kỳ.

Một vài chế phẩm có thể giúp bạn hạ áp, nhưng tính hiệu quả của chúng còn cần được nghiên cứu. Bao gồm:
 
  • Chất xơ: như vỏ hạt mã đề hay cám lúa mì.
  • Chất khoáng: Magie, Calci, Kali.
  • Acid Folic
  • Những chế phẩm tăng nitric oxide hay làm thông lòng mạch như cacao, thuốc Coenzyme Q10, L-Arginine hay tỏi.
  • Acid béo Omega 3, tìm thấy trong lớp mỡ các loại cá vùng nước lạnh và sâu, dầu cá hay hạt lanh.

Cần nhớ rằng, một vài chế phẩm có thể tương tác với các loại thuốc huyết áp mà bạn đang dùng. Tham khảo ý kiến bác sĩ khi quyết định sử dụng chúng.

Lời kết

THA không phải là một căn bệnh mà bạn có thể điều trị một cách hời hợt rồi quên mất nó. Bạn cần phải làm quen với việc chăm sóc , quan tâm đến nó suốt đời.
Tuân thủ việc dùng thuốc, thay đổi lối sống có thể là rất khó khăn vì bạn chẳng hề thấy triệu chứng gì bất lợi cho cơ thể mình. Nhưng nếu bạn cần động lực, hãy nhớ đến chữ
"nếu" mà tôi nhắc tới ở đầu bài viết. Có thể bạn không có ảnh hưởng to lớn đến thế giới như tổng thống hay lãnh đạo của một quốc gia kia, nhưng bạn vẫn có một thế giới riêng giữa người thân, bạn bè mà kẻ giết người thầm lặng mang tên Tăng Huyết Áp có khả năng đe dọa.
 
Tham khảo:
High blood pressure (hypertension), Mayo Clinic Staff 
Sách bệnh học và điều trị nội khoa Đại học Y Được TP HCM, 2013.