Những lời đồn và sự thật về Vắc xin

     Ngày nay, việc tiêm chủng hay tiêm vắc-xin phòng bệnh trở nên rất quen thuộc đối với mọi người, mọi gia đình trên toàn thế giới. Bạn có thể tìm thấy thông tin về nó khắp mọi nơi, từ lịch sử sơ khai của nó với thầy thuốc người Anh Edward Jenner (1749 - 1823), tới những thông tin về tác dụng phụ, tai biến, những chỉ định và lợi ích của nó trong việc bảo vệ sức khỏe con em chúng ta. Thế nhưng, hiện tại vẫn có những nhận thức sai lầm, mà bài viết "What are some of the myths – and facts – about vaccination?"  của tổ chức WHO, giúp chúng ta có cái nhìn đúng hơn về việc tiêm chủng.

   -Việc giữ gìn vệ sinh sẽ đánh lùi bệnh tật, vắc xin không thực sự cần thiết.
  •  Sai. Nếu chúng ta ngưng chương trình tiêm chủng, những bệnh vắc xin đang bảo vệ chúng ta sẽ quay trở lại. Việc giữ gìn vệ sinh, rửa tay và dùng nước sạch bảo vệ chúng ta khỏi một số bệnh truyền nhiễm, thế nhưng nhiều bệnh vẫn có thể lây lan dù chúng ta có cẩn thận đến mức nào. Nếu không được tiêm ngừa vắc xin, những bệnh ít gặp ngày nay như bại liệt, sởi sẽ bùng phát trở lại.

   -Vắc xin gây nhiều nguy hại và tác dụng phụ chưa được biết, thậm chí có thể gây tử vong.
  • Sai. Vắc xin rất an toàn. Hầu hết mọi phản ứng vắc xin gây nên đều chỉ là tạm thời và không đáng kể, tỉ dụ như một cơn sốt nhẹ, hay đau nhức tay. Những triệu chứng nghiêm trọng là cực kỳ hiếm và đều được theo dõi, nghiên cứu thận trọng. Khả năng chúng ta mắc những bệnh có thể chủng ngừa bởi vắc xin là cao hơn rất nhiều lần so với những tác dụng phụ mà nó gây ra. Tình trạng liệt trong bệnh bại liệt, viêm não, mù trong bệnh sởi và nhiều bệnh dẫn đến tử vong khác đều có thể ngăn chặn bởi vắc xin. Tần suất những tổn thương và tử suất mà vắc xin gây ra là quá ít ỏi trong cán cân với những lợi ích mà nó mang lại.

   -Vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (vắc xin DPT) và vắc xin ngừa bại liệt gây đột tử ở trẻ sơ sinh.
  • Sai. Không có mối liện hệ nào giữa việc sử dụng các vắc xin trên và việc đột tử của trẻ. Những trường hợp trẻ không may rơi vào hội chứng SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh) chỉ là trùng hợp, và bệnh sẽ xảy ra dù trẻ có được tiêm vắc xin hay không. Các bậc cha mẹ cần lưu ý rằng, các bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván-bại liệt lại đều là những bệnh nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
 
Phản ứng phụ của các loại vacxin thông thường:
Tên vacxin Bản chất Phản ứng phụ
DPT Toàn thân tế bào vi khuẩn ho gà bất hoạt
+ Giải độc tố bạch hầu, uốn ván
Thường gặp: Sưng đỏ chỗ tiêm, sốt >38 độ C. Có thể đau đầu, đau khớp, phù nề, ngứa nơi tiêm.
Hiếm: Phản ứng tức thì sau 4-8 h (bẳn tính, cáu gắt, tiêu chảy, nôn) và phản ứng muộn 8-15 ngày (tiểu ra albumin, nổi mề đay, sưng hạch, ho hen).
Rất hiếm: Viêm não tủy dị ứng.
DP và TT (hay VAT) Giải độc tố tinh chế cô đặc bạch hầu, uốn ván (DP) và uốn ván (TT) Ít phản ứng phụ hơn DPT, có sốt nhẹ < 38 độ C, nhức đầu, ngứa, sưng đỏ và mệt mỏi. Hiếm khi nôn, hay nổi hạch.
BCG Trực khuẩn lao giảm độc sống Đa số: Tạo cục cứng, sưng đỏ, loét, để lại sẹo tại chỗ tiêm; sưng hạch nhẹ ở gần nơi tiêm, có sốt
Dại Virus chiết từ não chuột ổ (vacxin Fuenzalida) và nuôi cấy tế bào - Có phản ứng toàn thân, mệt mỏi, khát nước, đau đầu nhẹ.
Rất hiếm: Viêm não tủy dị ứng, viêm đa dây thần kinh.
Tả uống Toàn thân tế bào vi khuẩn đậm độ cao, bất hoạt bằng fomalin và nhiệt. Lợm giọng, buồn nôn, tiêu chảy
Thương hàn vi Kháng nguyên tinh khiết Vi của vi khuẩn thương hàn Thường gặp: Đau nhẹ tại chỗ tiêm trong vòng 1 ngày.
Hiếm gặp: Sưng đỏ cứng chỗ tiêm, có sốt (thường nhẹ).
Viêm gan B Mảnh virus bất hoạt điều chế từ huyết tương người (thế hệ 1) và từ nấm men tái tổ hợp gene (thế hệ 2).   Thường gặp: Đau nhẹ, ngứa tại chỗ tiêm (hết nhanh sau 1-2 ngày).
Hiếm: Sốt, đau cổ, chóng mặt, ban, mề đay, nôn và tiêu chảy.
Rất hiếm: Co thắt phế quản, ngất, viêm khớp, hạ huyết áp, bệnh thần kinh, phù, rối loạn tiêu hóa, loạn thị và liệt.
Cực hiếm: Phản ứng quá mẫn.
Viêm não Nhật Bản Virus viêm não Nhật Bản nuôi cấy từ não chuột, được tinh chế rồi bất hoạt bằng Merthiolate. Thường gặp: Đau, sưng đỏ nơi tiêm; có thể gây sốt, ớn lạnh, nhức đầu (chỉ xảy ra trong 2-3 ngày sau tiêm).



   -Những bệnh vắc xin phòng ngừa đã gần như bị xóa sổ, không cần thiết phải tiêm chủng phòng ngừa nữa.
  • Sai. Đúng là chúng ngày càng hiếm gặp tại nhiều quốc gia, nhưng những tác nhân gây bệnh bệnh vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Trong thế giới phẳng hiện tại, những nguồn lây này có thể vượt qua rào cản địa lý và truyền bệnh cho bất kỳ ai không được bảo vệ. Ngay cả tại những nước tiên tiến như Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Tân Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh đều đã ghi nhận nhiều ca bệnh sởi ở bộ phận dân số không được chủng ngừa. Cho nên, hai lý do tối quan trọng để thực hiện chủng ngừa là để bảo vệ chính chúng ta và bảo vệ cho cả những người xung quanh nữa. Một chương trình tiêm chủng thành công cũng giống như một xã hội phát triển, cần sự hợp tác của mỗi cá nhân để đem lại thành quả. Chính mỗi người chúng ta phải làm những gì cần làm, không nên dựa vào người khác trong việc ngăn chặn bệnh tật lây lan.

   -Chủng ngừa nhiều loại vắc xin cùng lúc làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, làm quá tải hệ thống miễn dịch của trẻ.
  • Sai. Những bằng chứng khoa học đều cho thấy chủng ngừa nhiều vằc xin cùng lúc không có tác dụng ngoại ý nào lên hệ miễn dịch của trẻ. Mỗi ngày, trẻ tiếp xúc với hàng trăm chất lạ, tất cả đều gây kích hoạt các phản ứng miễn dịch. Ngay cả khi trẻ ăn cũng mang đến những kháng nguyên mới, cùng với những vi khuẩn đến cư ngụ tại vùng miệng, hầu họng. Thậm chí một cơn cảm sốt, đau họng bình thường, trẻ cũng tiếp xúc với lượng kháng nguyên lớn hơn gấp nhiều lần so với số kháng nguyên từ việc tiêm vắc xin. Lơi thế của việc tiêm nhiều mũi vắc xin cùng lúc là trẻ ít phải lui tới các cơ sở y tế, giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, nó còn giúp đảm bảo trẻ hoàn tất chương trình tiêm chủng đúng theo lịch trình. Đặc biệt, với những vắc xin phối hợp (như vắc xin sơ-quai bị-rubella), trẻ sẽ chỉ phải tiêm ít mũi hơn.

World Immunization Week 2015
 
Hãy chung tay khỏa lấp những lỗ hổng miễn dịch trên thế giới

   -Bệnh cúm không có gì đáng kể và vắc xin không thật sự hiệu quả với bệnh.
  • Sai. Bệnh cúm nghiêm trọng hơn những gì bạn nghĩ. Khoảng 300 cho đến 500 ngàn người chết mỗi năm vì nó. Phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người già với sức đề kháng kém cùng với những bệnh mãn tính như hen, bệnh lý tim mạch có nhiều nguy cơ bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, dẫn đến tử vong. Chủng ngừa bệnh cúm cho phụ nữ mang thai giúp bảo vệ cho trẻ sau sanh (hiện tại chưa có vắc xin cúm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi). Vắc xin giúp phòng ngừa 3 tác nhân gây cúm thường gặp nhất xuyên suốt năm. Nó là cách tốt nhất để ngăn chặn cúm diễn tiến nặng, và tránh lây nhiễm cho người khác.

   -Miễn dịch từ việc mắc bệnh là tốt hơn qua việc tiêm chủng vắc xin.
  • Sai. Vắc xin tiếp xúc với hệ miễn dịch, tạo ra đáp ứng miễn dịch tương tự như khi ta mắc bệnh, và hiển nhiên không gây tổn hại đến sức khỏe, hay nguy cơ tiềm tàng mà những biến chứng nguy hiểm của việc mắc bệnh gây ra. Cái giá phải trả là quá đắt cho việc mắc bệnh, ví dụ như chậm phát triển trí tuệ từ virus Haemophilus lnfluenzae týp B, dị tật bẩm sinh từ bệnh Rubella, ung thư gan từ viêm gan B, hay tử vong do bệnh sởi.

   -Thủy ngân có trong vắc xin là cực kỳ nguy hiểm.
  • Sai. Thiomersal là một hợp chất hữu cơ chứa thủy ngân được thêm vào vắc xin để bảo quản thuốc. Hiện nay nó là chất được sử dụng phổ biến nhất trong bảo quản vắc xin. Chưa có một bằng chứng hay dữ kiện lâm sàng nào chứng tỏ lượng Thiomersal trong vắc xin gây tổn hại sức khỏe.

   -Vắc xin gây ra bệnh tự kỷ.
  • Sai. Nghiên cứu vào năm 1998 ,gây lo lắng về khả năng có mối liên hệ giữa vắc xin MMR (vắc xin ngừa sởi-quai bị-rubella) và bệnh tự kỷ, có đầy khiếm khuyết và lỗ hổng, sau đó được rút lại bởi tạp chí đăng tải nó. Không may là bài bào vẫn gây quan ngại nhất định, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ giảm đi và hậu quả là sự bùng phát của các bệnh sởi-quai bị-rubella. Cần nhấn mạnh là không hề có bằng chứng nào kết nối vắc xin MMR và các bệnh rối loạn tự kỷ.
 
  • LỊCH TIÊM CHỦNG

 
STT Tuổi của trẻ Vắc xin sử dụng
1 Sơ sinh -        Tiêm vắc xin Viêm gan B (VGB) mũi 0 trong 24 giờ đầu sau sinh
-         Tiêm vắc xin BCG Phòng bệnh lao
2 02 tháng -        Tiêm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib  mũi 1 mũi 1(vắc xin 5 trong 1)
-          Uống vắc xin bại liệt lần 1
3 03 tháng -        Tiêm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib  mũi 1 mũi 2
-         Uống vắc xin bại liệt lần 2
4 04 tháng -        Tiêm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib mũi 3
-         Uống vắc xin bại liệt lần 3
5 09 tháng -         Tiêm vắc xin sởi mũi 1
6 18 tháng -         Tiêm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4
-         Tiêm vắc xin sởi mũi  2
7 Từ 1 đến 5 tuổi -         Vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 1
-         Vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 2
       (hai tuần sau mũi 1)
-         Vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 3
       (một năm sau mũi 2)
8 Từ 2 đến 5 tuổi -         Vắc xin Tả 2 lần uống
       (lần 2 sau lần một 2 tuần)
9 Từ 3 đến 10 tuổi -         Vắc xin Thương hàn tiêm 1 mũi duy nhất
    Vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ
Phụ nữ có thai;
nữ tuổi sinh đẻ
  • Tiêm càng sớm càng tốt khi có thai lần đầu hoặc nữ 15-35 tuổi ở vung nguy cơ mắc UVSS cao.
  • 1 tháng sau mũi 1
  • 6 tháng sau mũi 2 hoặc trong thời kỳ có thai sau
  • 1 năm sau mũi 3 hoặc trong thời kỳ có thai sau
  • 1 năm sau mũi 4 hoặc trong thời kỳ có thai sau
                                                    Lược dịch
Nguồn: What are some of the myths – and facts – about vaccination?